Mô tả: Không chỉ vì sự gắn bó, thủy chung với Hà Nội, việc lão nhà văn quyết ở lại "Sống mãi với Thủ đô" (như tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) còn bởi bấy giờ, ông đang ấp ủ việc hoàn tất tập bút ký "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi". Cuốn sách đã được Hội Văn nghệ Hà Nội cho xuất bản ngay sau trận bom Mỹ cuối cùng chấm dứt (ngày 30-12-1972). Bài cuối cùng của tập sách là bài "Nó bê - năm - hai phố Khâm Thiên" được lão nhà viết ngay sau khi B52 Mỹ trút bom rải thảm hủy diệt một trong những khu dân cư đông đúc nhất Hà Nội lúc bấy giờ (vào đêm 26, rạng ngày 27-12-1972). Điều này chứng tỏ ngòi bút Nguyễn Tuân đã ứng trực rất kịp thời, và việc ra sách cũng nhanh đến… kỷ lục.
Thật ra, "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" không chỉ nói về việc quân dân Hà Nội đánh trả và đánh thắng không lực Mỹ trong trận "Điện Biên Phủ trên không". Nhiều bài trong tập được Nguyễn Tuân viết ra từ mấy năm trước. Tập sách cũng không chỉ nói riêng việc Hà Nội đánh Mỹ (trong tập còn có bài "Sài Gòn tống Mỹ" và bài "Nhớ Huế" nói về cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế). Bản thân bài "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" cũng được Nguyễn Tuân viết trước đó 5 năm. Tuy nhiên, nếu không có những bài viết đề cập tới cuộc chiến long trời lở đất diễn ra ngay tại "trái tim của cả nước" suốt 12 ngày đêm năm ấy, hẳn cuốn sách sẽ không có được sức nặng như nó cần phải có. Và nếu không được ra mắt bạn đọc đúng thời điểm ấy, thì hẳn cái tên của cuốn sách cũng phần nào giảm ý nghĩa. Đó như thể một thứ Huân chương Chiến công kịp thời đính lên ngực Thủ đô vậy.
"Người không dám mơ ước lớn sẽ không bao giờ đạt được thành công lớn. – David Schwartz"