Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc
Năm xuất bản: 2010
Thể loại: Văn học
Lượt xem: 25
Mô tả: Nhà xuất bản Văn Mới ở miền nam California, vừa ấn hành tác phẩm phê bình văn học mới nhất của nhà văn Nguyễn Hưng Quốc. Đó là cuốn “Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa” (VHVNTTCH).
Tác giả là một trong vài nhà phê bình văn học có uy tín nhất hiện nay ở hải ngoại.
Nhà xuất bản lại là một trong quá ít nhà xuất bản của người Việt ở quê người, chẳng những còn cố gắng “bám trụ” mà, vẫn “xâm mình” xuất bản những tác phẩm giá trị, không chút băn khoăn lợi nhuận…
Nên, gặp gỡ giữa hai “đối tác cực kỳ trân trọng chữ, nghĩa” này, theo thiển ý của chúng tôi là một “hạnh ngộ” tốt đẹp trong sinh hoạt chữ nghĩa ngày càng âm u, của người Việt hải ngoại giữa thời buổi kinh tế suy thoái…toàn cầu!!!…
Trong “Lời mở đầu” tác phẩm, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc “nêu bật” quan điểm:
“Văn học là nghệ thuật ngôn ngữ, ở đó, tính nghệ thuật của ngôn ngữ, và cùng với nó, cảm quan và thái độ thẩm mỹ của người viết, mới là những điều căn bản. Tất cả những yếu tố này đều chịu sự tác động mạnh mẽ không phải chỉ từ các biến cố chính trị trong nước mà còn từ các điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa bên ngoài, có khi từ những nơi rất xa xôi. Chính vì thế, tôi đề nghị một tầm nhìn khác, rộng hơn: thế giới. Ở đó, năm đặc điểm này, theo tôi, là quan trọng nhất: toàn cầu hóa, giải lãnh thổ hóa, lai ghép hóa, hậu hiện đại hóa và mạng hóa (webization). Tôi cho chính năm đặc điểm này, hơn bất cứ yếu tố nào khác, sẽ quyết định diện mạo của văn học Việt Nam trong những thập niên sắp tới. Có điều, tiếc, trừ chủ nghĩa hậu hiện đại, chưa có yếu tố nào được giới cầm bút Việt Nam quan tâm phân tích. Mà chủ nghĩa hậu hiện đại cũng chỉ được đề cập một cách hết sức sơ sài và thiên kiến. Có cũng như không (……)
“Nghĩ thế, trong cuốn sách này, tôi đã chọn hướng khác: khái niệm hóa. Theo tôi, trong lãnh vực học thuật, điều chúng ta có rất ít và cần có nhiều hơn nữa là các khái niệm. Không có khái niệm, chúng ta, một mặt, không thể xây dựng được hệ thống thuật ngữ cho chuyên ngành của mình; mặt khác, quan trọng hơn, chúng ta cũng sẽ không thể nhận diện được hiện thực vì hiện thực, nhất là hiện thực xã hội, chính trị và văn hóa, vĩnh viễn vô hình nếu chúng vô danh. Không có thuật ngữ, chúng ta không thể có một nền học thuật văn học. Không nhận diện được hiện thực, chúng ta không thể vượt bỏ hiện thực. Không thể vượt bỏ, chúng ta sẽ không có tiến bộ. Không có tiến bộ, chúng ta sẽ không thể có lịch sử. Không có lịch sử, chúng ta sẽ không có gì cả…” (Trích Nguyễn Hưng Quốc, VHVNTTCH, trang 9, 10 và 11.)
Với chiều sâu và những soi rọi chói gắt của họ Nguyễn hướng về chân trời văn học, xuyên qua tác phẩm VHVNTTCH, theo thiển ý của chúng tôi, tác phẩm này không chỉ hữu ích cho những ai quan tâm tới vấn đề văn học của đất nước mà, nó còn cần thiết cho sự tăng bổ kiến thức của tất cả mọi người nữa.
"Thành công là tìm thấy điều bạn yêu thích và theo đuổi nó. - Khuyết danh"