Tác giả: Jeffrey Archer
Năm xuất bản: Chưa có thông tin
Thể loại: Trinh thám
Lượt xem: 9
Mô tả: Connor Fitzgerald là gián điệp trên 50 tuổi, làm việc trong tổ chức CIA. Sau vụ ám sát thành công một ứng cử viên nặng ký đang tranh cử chức tổng thống Columbia, Connor trở về Mỹ và rơi vào tình thế rắc rối gây ra bởi chính giám đốc CIA. Vì bị lừa, nghĩ rằng mình đang tuân theo lệnh từ chính Nhà Trắng, Fitzgerald tiếp tục sang Nga để chuẩn bị ám sát một ứng cử viên khác đang tranh cử chức tổng thống Nga mà không hề biết rằng mình đang bị bán đứng + thanh trừng bởi chính cấp trên của mình.
Sau khi đọc lần hai và rất ưa thích quyển “Truy tìm bức tranh thánh”, Biển được một người bạn giới thiệu cuốn “Điều lệnh thứ 11”, đồng thời cũng đọc được review rất hay về cuốn này trong cuộc thi viết vừa qua trên Bách Việt Reading Club về sách của Jeffrey Archer, nhưng do không có hứng thú với thể loại văn học cổ điển + tình báo nên Biển do dự chưa đọc. Tuy nhiên, khi quyết định đọc thì Biển nhận ra đây là một câu chuyện rất hợp gu mình. “Điều lệnh thứ 11” có nét vừa giống vừa khác với quyển “Truy tìm bức tranh thánh”, nhân vật chính Connor Fitzgerald là một điệp viên mẫn cán và trung thành với CIA, tuy vậy không được trọng dụng mà bị “xài” theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ, vừa bị lợi dụng triệt để vừa bị dùng làm bàn đạp để cấp trên chối bỏ mọi tội lỗi mà họ gây ra. Trong quá trình mưu cầu đường sống cho bản thân, Connor nhận được sự giúp đỡ từ những nguồn không ngờ nổi. Điều này tương tự nhân vật chính Adam Scott trong “Truy tìm bức tranh thánh”. Nói chung nhân vật chính thường gặp những kiểu may mắn mà người thường ít gặp được, vì nếu nhân vật chính chết sớm quá thì truyện đâu còn gì để đọc.
Thường khi đọc trinh thám, Biển thích nam chính và nữ chính bước từ giai đoạn mới quen sang tìm hiểu rồi cưới nhau, chứ bắt đầu đọc mà họ đã kết hôn rồi thì không còn gì thú vị. Nhưng trong “Điều lệnh thứ 11”, tuy Connor đã hơn 50 tuổi và cưới vợ được gần 30 năm nhưng cách tác giả miêu tả mối quan hệ giữa họ vẫn rất ngọt ngào. (Cuốn này KHÔNG PHẢI trinh thám lãng mạn đâu, Biển chỉ muốn nói một chút về tình cảm trong truyện thôi). Gần đây Biển đọc cuốn “Những điều bạn chưa biết về trai Tây” và bị tiêm nhiễm vào đầu rằng đối với người Âu – Mỹ, tình yêu – tình dục ở độ tuổi rất trẻ là chuyện vô cùng bình thường, nên khi đọc cảnh làm quen của Connor và Maggie trong truyện, Biển hơi bất ngờ với mức độ cổ điển của nó: chàng đợi suốt đêm ở băng ghế dưới cửa sổ phòng nàng mà thậm chí không dám hỏi tên nàng, sau đó thì cầu hôn mỗi tuần suốt mấy năm mới được đồng ý. Tiểu thuyết trinh thám tình báo mà có chi tiết tình cảm gây rung động không kém bộ phim Love Story! Nhân vật Maggie thật ra chỉ là nữ phụ nhưng không hề là bình hoa di động, cô là một phụ nữ xinh đẹp với trí óc sắc sảo, biết bình tĩnh ứng phó trong hiểm cảnh và rất mực chung thủy với người yêu.
Nếu như trong phim James Bond, khán giả nhìn thấy hình tượng bà sếp M là một nữ lãnh đạo vừa có uy vừa biết quan tâm đến nhân viên của mình, thì trong “Điều lệnh thứ 11”, Giám đốc và Phó giám đốc của CIA được miêu tả như hai kẻ thủ đoạn, vô nhân tính, ăn cháo đá bát. Những pha trở mặt lạnh lùng, giết người không ghê tay trong truyện khiến người đọc mường tượng một CIA chẳng khác gì mafia. Các màn hành động căng thẳng được viết với nhịp độ không nhanh lắm, tuy vậy vẫn rất cuốn hút độc giả. Truyện trinh thám nước ngoài không bị kiểm soát gắt gao về tư tưởng chính trị nên chủ đề vừa sâu vừa rộng, có thể đưa tổng thống các nước vào thành nhân vật trong sách, thậm chí biến họ thành nhân vật phản diện (như cuốn “Công lý cho ai” của Phillip Margolin). Đọc những quyển sách như vậy độc giả sẽ cảm thấy thoải mái và thỏa mãn. Đặc biệt, chương 22 của cuốn “Điều lệnh thứ 11” có một chi tiết khiến Biển dào dạt cảm xúc, gợi liên tưởng rất rõ đến cuốn “Hai kinh thành” của Charles Dickens.
“Điều lệnh thứ 11” là quyển sách mà Biển nghĩ sẽ thích hợp với mọi độc giả nam nữ trên 13 tuổi. Tuy có những màn giết người một cách vô cảm nhưng Biển vẫn cho rằng đây là một câu chuyện hay, dễ đọc, thấp thoáng tính nhân văn – tình cảm gia đình – tình bạn – tình người. Cả văn phong và nội dung có phần “mềm mại” hơn những quyển về Jack Reacher của tác giả Lee Child. “Điều lệnh thứ 11” được dịch thuật tốt, cách dùng từ không quá thô mà vẫn có những nét mạnh mẽ ngang tàng phù hợp với một cuốn trinh thám về gián điệp. Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy chán sách và bội thực chữ, Biển nghĩ đây sẽ là quyển sách thích hợp để khơi gợi lại tình yêu + hứng thú đối với việc đọc.
"Tương lai phụ thuộc vào những gì bạn làm hôm nay. - Mahatma Gandhi"