Sống mòn

Sống mòn

Tác giả: Nam Cao

Năm xuất bản: Chưa có thông tin

Thể loại: Tác phẩm kinh điển

Lượt xem: 20

(0.0 ★ / 0 lượt đánh giá)
Tải EPUB

Mô tả: Nếu bạn hỏi tôi rằng cuốn tiểu thuyết Việt Nam tự cổ chí kim nào gây được những ấn tượng mạnh mẽ nhất trong lòng tôi, tôi sẽ nói với bạn đó chính là Sống mòn của Nam Cao. Nếu bạn hỏi tôi rằng để chọn một cái tên có thể nhắc nhở đến cả một thời đại văn học đã qua của dân tộc, tôi sẽ ngay lập tức liên tưởng đến Nam Cao và ngay sau đó là Sống mòn… Không một tác phẩm nào của văn học Việt Nam thời đại Nam Cao, hậu Nam Cao (tính đến thời điểm bây giờ) có được cái tầm vóc và vẻ đẹp đậm chất triết lý và nhân văn đến thế.

Sống mòn có cái long đong lận đận của một kiếp hồng nhan. Điều ấy âu cũng là cái nghiệp nó phải mang trong mình vậy, bởi dường như có cái phi thường nào trên cõi đời này mang những số phận bình thường? Được thai nghén trong lòng một nhân cách lớn của văn đàn Việt, thoát thai trong cơn đói khủng khiếp vô tiền khoáng hậu của dân tộc mà có lẽ hàng thế kỉ nữa con cháu chúng ta cũng còn phải kể cho nhau nghe để rùng mình, và để rồi say ngủ một giấc dài trong công cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Bản thảo của Sống mòn hoàn thành vào tháng 10-1944, nhưng phải đến 12 năm sau (1956), mới được Nhà xuất bản văn nghệ in lần đầu tiên và cũng không gây được tiếng vang lớn trong phong trào nghệ thuật kháng chiến lúc bấy giờ. Đừng vội trách những con mắt tinh tường của giới văn nghệ sỹ, giới phê bình và học thuật lúc bấy giờ, những người mà chỉ khoảng hơn mười năm trước thôi, đã có thể tung hô Sống mòn như đúng giá trị mà nó mang trong mình: kiệt tác của văn học Việt, viên ngọc trai được nhào nặn từ cái bi kịch của người trí thức trước gánh nặng nghiệt ngã của vòng tục lụy… Họ đang nỗ lực trên hành trình rũ bỏ sạch sẽ cái chất “tiểu tư sản”, “cái tôi cá nhân” – những điều mà trong thời đại ấy không còn chỗ đứng. Cái đẹp ư? Cái lớn lao và cao cả ư? Nó phải là những trang viết tái hiện lại cả một thời đại cách mạng sục sôi của dân tộc, khắc họa những con người mới trong thời đại mới, cổ vũ và nâng cao tinh thần chiến đấu của cả nước chống lại kẻ thù chung để xây dựng cuộc đời ấm no và hạnh phúc cho chúng ta và cả con cháu về sau. Còn gì thời gian cho những điều xưa cũ ấy? Những khắc khoải hơi “lố” và “kịch” của một người trí thức nghèo trong xã hội cũ có sá gì so với sự hăm hở của bao nhiều người nông dân đang cầm súng cầm gươm, đang từng ngày từng giờ mang máu, mang mồ hôi của mình bảo vệ và xây dựng tổ quốc Xã hội chủ nghĩa? Họ đúng. Rất đúng. Thời thế tạo ra lòng người vậy! Và để rồi Sống mòn chịu chung cái bi kịch “sống mòn” như những tác phẩm của một thời đại cũ, cần phải lãng quên. Không khí sục sôi của những ngày đầu tiên xây dựng xã hội mới trong lòng miền Bắc và đấu tranh chống lại âm mưu của Mỹ tại miền Nam đặt ra một yêu cầu mới, cấp thiết hơn rất nhiều cho văn học nước nhà. Và văn học đã tạm thời gác những cái cá nhân, những lo toan phù phiếm lại để thực sự trở thành một thứ vũ khí tinh thần to lớn trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Thời đại anh hùng cách mạng của thế kỉ XX đã qua, nhìn lại nền văn học kháng chiến, có thể kể tên ra một đỉnh cao thực thụ nào của làng tiểu thuyết? Cái hiện thực lớn lao trong thế kỉ XX của dân tộc Việt xứng đáng là cái hiện thực khốc liệt bậc nhất của chiến tranh. Ấy vậy mà vắng bóng một tác phẩm khả dĩ đại diện cho cả thời đại đáng tự hào đến vậy. Để rồi đến một giai đoạn mông lung trong hoài niệm về quá khứ của giai đoạn văn học thời hậu chiến. Và sau nữa, chúng ta kỉ niệm 25 năm ngày “cởi trói” cho văn học nước nhà (1986 – 2011) trong nỗi khắc khoải về một giấc mơ đã có từ thời Nam Cao: đâu là giải pháp để tìm chỗ đứng xứng đáng cho nền văn học Việt? Người ta hô hào, người ta đặt những chỉ tiêu, những lộ trình dài hạn cho văn chương để tiến từng bước một đến những giải thưởng danh giá hơn. Người ta cho xuất bản rộng rãi những tác phẩm mang lại “tiếng vang” cho nền văn học nước nhà. Nhan nhản những đầu sách Việt trên các giá sách ngày nay, như thể những bộ phim mà đạo diễn của nó cố tình kéo càng dài càng tốt để đủ thời lượng chiếu trên “giờ vàng phim Việt” vậy. Đó gọi là cách để giành lấy chỗ đứng cho cái thứ nghệ thuật của chúng ta ngày nay nói chung ư, chiến thuật “biển người” trong quân sự của Trung Quốc? Ấy vậy mà người ta quên những đỉnh cao như Sống mòn! Chà, giới học thuật và phê bình của chúng ta ngày nay còn mải dịch sách, mải viết tham luận cho các hội thảo, còn bận kiếm miếng cơm manh áo trong cái thời buổi kinh tế thị trường này mà đã quên mất những điều thực sự được gọi là thành tựu trong quá khứ? Cả những nhà xuất bản, ai hơi đâu quan tâm đến những cái đó làm gì, họ còn bao nhiêu chiến dịch mua bản quyền những câu chuyện đình đám nước ngoài, những hồi ức, hồi ký mà nhân vật chính là một cô gái xinh đẹp chịu nhiều “vùi dập” trong đời hay những chàng đồng tính cô đơn trong bế tắc và bệnh hoạn. Họa hoằn lắm mới có đôi lúc người ta cho tái bản lại một vài cuốn “cổ văn”. Người ta làm như thể một sự ban ơn. Cho ai? À, cho những kẻ gàn dở và cổ hủ, hay cho những sinh viên văn khoa năm cuối cần tài liệu làm luận văn, hoặc một vài nhà nghiên cứu nước ngoài cần tư liệu. Ấy đấy, và Sống mòn cứ ngủ yên.

"Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Nó đến từ chính hành động của bạn. - Dalai Lama"