Mô tả: Đường Dẫn Đến Tội Lỗi là truyện thứ hai trong Tập 1 Tiểu thuyết Trình báo Phản gián của tác giả Trần Diễn. Lần này mục tiêu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA là Hệ thống Đường ống Dẫn dầu từ Bắc vào Nam. Năm 1967, địch mở chiến dịch mang tên "Biển Lửa" huy động hàng ngàn máy bay tập trung ném bom hệ thống kho, trạm xăng dầu sơ tán, tìm kiếm từng chiếc xe ô tô, toa xe lửa, từng xà lan chở xăng dầu để đánh phá. Trước tình hình này, Bộ Chính trị TW Đảng chỉ thị lắp đặt hệ thống đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam. Truyện tập trung vào hệ thống ống dẫn từ Quảng Bình xẻ dọc Trường Sơn đến Lộc Ninh, dài hơn 2.000km. Đường ống này cung cấp cho các đơn vị quân đội ở miền Nam hàng ngàn tấn xăng dầu mỗi ngày, được xem là mạch máu của chiến trường. Trong âm mưu phá hủy hệ thống đường ống, CIA tung V10 thâm nhập vào một trạm xăng dầu gần Hà Nội để tiếp cận Tổng Công ty Xăng dầu Bộ Vật tư lẫn Cục Xăng dầu Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ là lấy cắp bằng được bản thiết kế đường ống để không quân Mỹ đánh phá hoặc tháo dỡ, chặt đứt mạch máu chuyển xăng dầu vào Nam. Truyện xoay quanh các nhân vật Lâm, Hà và Tiến Đạt. Các chiến sĩ công an và Cục Phản gián Bắc Việt phải cố gắng hết sức tìm ra ai trong số này là V10. Đó là chưa kể V5 tiếp tục được tung vào tiếp cận V10 để lấy bản thiết kế. Phía ta cũng tung A7, chiến sĩ phản giá trẻ tuổi vào hàng ngũ địch hòng tìm ra V10 và V5. Giữa lúc cuộc truy tìm V10 đang sắp đạt kết quả, thì Hà, người yêu của Lâm bị bắn chết. Cuộc truy tìm vốn đã vất vả nay lại càng căng thẳng hơn. Tại sao Hà vốn chẳng dính líu gì đến âm mưu phản gián lại bị giết? Phải chăng chỉ là hành động cướp của giết người đơn thuần? Hay đằng sau đó là cả một âm mưu? A7 sẽ phải làm gì để lật mặt V10 lẫn V5 và không để bản thiết kế đường ống rơi vào tay địch? Đây là điểm khác biệt so với Trùm Phản Chúa, khi mà tác giả cho xuất hiện nhân vật A7, làm đối thủ đấu với cả V10 lẫn V5 của CIA.
Bước sang Con Đường Dẫn Đến Tội Lỗi, tác giả đã đẩy nhanh nhịp độ truyện. Gay cấn hơn, căng thẳng hơn và hấp dẫn hơn. Đã xuất hiện máu đổ, súng nổ và hy sinh mất mát. Song song với đó cũng như tiểu thuyết trước đó, cuốn này tác giả cũng tập trung phân tích mâu thuẫn giày vò giằng xé của những kẻ trót làm tay sai cho Mỹ. Mang thân phận là gián điệp cho CIA, nhân vật luôn phải sống trong lo âu, cảm giác giằng xé, hối hận vì đã phản bội Tổ quốc nhưng lại không thể quay đầu. Vì tình yêu người ta có thể quay giáo đầu hàng giặc, nhưng tình yêu cũng có thể tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ trên mặt trận phản gián gian nguy. Truyện của Trần Diễn có cái hay là nhân vật nào cũng được đào sâu, bất kể là phụ hay chính. Ai ai cũng có đất diễn, hiện lên với những chân dung rất sinh động. Đặc biệt là hình tượng A7, chiến sĩ điệp báo của ta. Hình tượng A7 hiện lên rõ mồn một, tuy nhiên rất khó nhận ra ai la A7. Có thể mình đọc ít thể loại tình báo nên không nhận ra. Trong cuốn này nghiệp vụ tình báo có nét căng thẳng, và khốc liệt hơn cuốn trước. Có tình huống bất ngờ ngoài dự tính, có cả án mạng và điều tra hình sự kết hợp, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả Trùm Phản Chúa. Cùng chờ xem tiểu thuyết cuối cùng trong tập 1 có hấp dẫn hơn hai cuốn trước không.
"Hạnh phúc không phải là đích đến, mà là hành trình. – Khuyết danh"